20:02' 30/10/2004 (GMT+7) (VietNamNet) - Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng: nhiều yêu cầu đền bù bảo hiểm của khách hàng đã bị các công ty Bảo hiểm Nhân thọ hoặc từ chối hoặc chây ì không thực hiện; Bảo Việt đang bị thanh tra về nhiều vụ việc, kết quả cho thấy có nhiều sai phạm... Thực chất vấn đề ra sao và vì sao lại có hiện tượng đó? VietNamNet vừa có cuộc trao đổi với ông Trịnh Thanh Hoan - Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam. PV: - Trong bối cảnh của nền kinh tế mở cửa và hội nhập hiện nay, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế cùng kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm ngày càng gay gắt. Điều này này có cản trở sự phát triển của Bảo Việt không, thưa ông? Ông Trịnh Thanh Hoan: - Gần 40 năm qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính; sự giúp đỡ, ủng hộ, tin cậy của đông đảo đối tác, bạn hàng, các tổ chức, cá nhân...trong và ngoài nước, Bảo Việt đã phát triển liên tục, ngày càng lớn mạnh. Hiện nay, mặc dù phải kinh doanh trong điều kiện sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các loại hình doanh nghiệp đối thủ thuộc đủ mọi thành phần kinh tế được phép hoạt động tại Việt Nam, nhưng từ năm 2000 - 2003, Bảo Việt không ngừng phát huy được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm. Doanh thu liên tục tăng trưởng qua các năm: năm 2002 đạt 3.869,569 tỷ đồng, năm 2003 đạt 4.929,137 tỷ đồng, mức tăng trưởng trên 26%so với năm 2002. Hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ của Bảo Việt đã đạt mức tăng trưởng 35%; doanh thu của hoạt động bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 23%. Bảo Việt hiện chiếm trên 41% thị phần trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam. Dự kiến năm 2004, doanh thu của Bảo Việt đạt trên 5.600 tỷ đồng, tăng trưởng trên 17% so với năm 2003. - Chúng tôi được biết, ngày càng có nhiều khách hàng tham gia bảo hiểm, tuy nhiên họ bắt đầu lo lắng về khả năng tài chính của Bảo Việt. Theo ông, nỗi lo đó có cơ sở không? - Do tính chất đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bảo Việt đã sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu và dự phòng để tham gia hoạt động đầu tư tài chính. Năm 2003, trên 6.400 tỷ đồng đã được Bảo Việt đầu tư trở lại cho nền kinh tế với doanh thu từ hoạt động này đạt 463 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm trước. Đây chính là nguồn tài chính quan trọng của Bảo Việt để thực hiện các cam kết với khách hàng. Trong năm qua, đã có trên 1.600.000 lượt khách hàng bảo hiểm nhân thọ và trên 20 triệu khách hàng bảo hiểm phi nhân thọ sử dụng sản phẩm bảo hiểm của Bảo Việt và họ hoàn toàn có thể an tâm về khả năng tài chính của chúng tôi, bởi chỉ tính riêng doanh thu từ hoạt động đầu tư của Bảo Việt đã bằng doanh thu của ít nhất hai công ty bảo hiểm nội địa cỡ trung bình khác cộng lại. - Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian gần đây Bảo Việt viện nhiều lý do để cố tình lẩn tránh bồi thường cho khách hàng? - Tôi cho rằng nói như vậy là không xác đáng! Trong năm 2003, gần 1.000 tỷ đồng từ doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đã được Bảo Việt chi trả cho khách hàng và trích dự phòng bồi thường, góp phần giúp các đối tượng không may bị thiên tai, tai nạn bất ngờ gây thiệt hại, ổn định đời sống và sản xuất. Năm 2003, Bảo Việt đã bồi thường các vụ tổn thất lớn như: Vụ cháy của Công ty Interfood với số tiền bồi thường gần 70 tỷ đồng; tổn thất hàng hoá của Vinafood hơn 7 tỷ đồng; lô hàng gỗ của Vinafor Sài Gòn hơn 2,3 tỷ đồng; tổn thất cháy nhà máy Yujin Việt Nam 1,5 tỷ đồng; tổn thất của giàn khoan RBDP - A tại mỏ Ruby 6,7 tỷ đồng...Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, năm 2003, Bảo Việt đã thanh toán 635 tỷ đồng, trong đó trả tiền đáo hạn cho 35 khách hàng, xử lý hơn 7.000 hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, thanh toán giá trị giản ước cho 75.000 khách hàng. Công tác cho vay theo hợp đồng với gần 400 tỷ đồng vốn vay đã góp phần giải quyết khó khăn tài chính cho 45.000 khách hàng, góp phần phát triển kinh tế gia đình và mở rộng sản xuất tại các địa phương. - Còn việc nộp ngân sách Nhà nước thì sao, thưa ông? - Năm qua, Bảo Việt cũng đã hoàn thành tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, nộp ngân sách trên 189 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm trước. Tình hình tài chính của Tổng Công ty đủ khả năng làm tốt nghĩa vụ với khách hàng, với Nhà nước. - Thưa ông, qua cuộc thanh tra của Thanh tra Nhà nước tại Bảo Việt cho thấy nhiều công trình do Bảo Việt đầu tư có không ít sai phạm nghiêm trọng? - Thực hiện Quyết định 2741/QĐ - TTNN ngày 04/3/2004 của Thanh tra Nhà nước về đầu tư mua sắm trang thiết bị và xây dựng cơ bản, trong kết luận của mình, Thanh tra Nhà nước có nêu một số vấn đề tại Bảo Việt đang được nhiều bạn đọc báo chí quan tâm. Nay để có thêm thông tin về các vấn đề này, Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) xin được đưa ra một số ý kiến nhằm làm rõ thêm các kết luận đó như sau: Hiện nay, Bảo Việt đang tham gia 36 dự án đầu tư, trong đó có 4 dự án gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn với tổng số tiền là 1.928.207.000 đồng, chiếm tỷ lệ 0,025% trên tổng số vốn tham gia đầu tư của Bảo Việt. Trên thực tế chỉ có số vốn 119,275 triệu đồng góp vào Công ty cổ phần dịch vụ giải trí Nha Trang là khó có thể thu hồi được. Đối với ba dự án còn lại, Bảo Việt đang thực hiện các biện pháp tích cực nhằm thu lại số vốn có khả năng thu hồi. - Nhưng trong việc mua lại cổ phần của các cổ đông sáng lập HASECO, Bảo Việt đã xác nhận cổ phần khống và cổ tức không có thực? - Việc mua lại cổ phần của các cổ đông sáng lập - Công ty Cổ phần dịch vụ giải trí Hà Nội (HASECO) với giá thoả thuận cao hơn mệnh giá khi phát hành (107.350 đ/ cổ phần so với 100.000 đ/cổ phần) có yếu tố lịch sử. Thực tế, Bảo Việt mua số cổ phần này khi các cổ đông chuyển nhượng cổ phần đã góp vốn vào HASECO được 2 năm và giá mua chênh lệch này thấp hơn lãi suất ngân hàng tại thời điểm đó và do vậy đó vẫn là một sự hợp lý. Ngay trong những năm đầu tiên (năm 2000), HASECO đã có lãi hơn 8 tỷ đồng và đến tháng 9/2001, tức là chỉ trong một thời gian rất ngắn, HASECO đã huy động thêm được 15 tỷ đồng/cổ phần so với giá Bảo Việt đã mua trước đó). Hơn nữa, Bảo Việt không có trách nhiệm trong việc xác nhận "cổ phần khống" và chia "cổ tức không có thực" cho HASECO vì Bảo Việt chỉ là một thành viên bình đẳng với HASECO và UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định cho phép Công ty dịch vụ khai thác Hồ Tây góp vốn bằng quyền sử dụng đất (theo văn bản số 2577/UB - NNĐC ngày 15/10/1998). - Nhưng không lẽ ngay cả việc Bảo Việt cho khách hàng vay 521 tỷ đồng để lấy lãi cũng là hợp pháp, vì Bảo Việt đâu có được phép dùng tiền của người tham gia bảo hiểm để cho vay lấy lãi như các ngân hàng thương mại được? Ông có thể cho vay theo giá trị giải ước? - Việc cho khách hàng vay 521 tỷ đồng với mức lãi suất thấp hơn lãi suất trần để tái tục hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi họ không đủ khả năng tài chính để duy trì hợp đồng. Đây được coi như một hình thức tạm ứng theo yêu cầu của khách hàng để giúp họ vượt qua khó khăn tài chính tạm thời khi hợp đồng chưa đáo hạn. Xét về yếu tố an toàn, thì các khoản tạm ứng này được đảm bảo rất cao bởi tài chính giá trị giải ước của hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng đã tham gia với Công ty bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn có thể kiểm soát được các khoản vay và hoạt động này là hợp pháp theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. - Còn việc Bảo Việt trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 15,7 tỷ đồng? - Về việc chưa thực hiện nộp 15,7 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp: thực tế Thanh tra Nhà nước đã ghi nhận giải trình của Bảo Việt và số thuế Bảo Việt phải nộp là 843,168 triệu đồng. Sở dĩ như vậy là do vừa qua Bảo Việt mới thực hiện hạch toán các khoản thực thu, nên chưa hạch toán lãi mua công trái và trái phiếu (các khoản phải thu) và do đó sẽ nộp khoản thực thu này vào năm sau. - Xin cảm ơn ông! Nguyên Anh (thực hiện)
có thể bạn quan tâm