Để người nông dân yên tâm sản xuất
Cách đây 3 năm, ngày 1/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013.
Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị to lớn của ngành bảo hiểm: Đưa dịch vụ bảo hiểm tham gia ổn định và phát triển ngành nông nghiệp; tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, nhằm duy trì và nâng cao vị trí chiến lược của khu vực nông nghiệp, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trọng trách là vậy, nhưng đây cũng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, đặc thù của sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp là khách hàng nhỏ lẻ, địa bàn phân tán, chưa đưa công nghệ cao vào sản xuất, canh tác, khách hàng còn lạ lẫm với dịch vụ bảo hiểm, chưa có nhiều kỹ năng phòng ngừa rủi ro… Bảo hiểm nông nghiệp, do vậy, cần sự dấn thân của những người mở đường.
Chỉ trong những lúc này, kinh nghiệm và vị thế của doanh nghiệp mới được bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Và doanh nghiệp được giao trọng trách này chính là Bảo Việt (cùng một doanh nghiệp bảo hiểm khác là Bảo Minh – đơn vị trước đây là công ty thành viên thuộc Bảo Việt và được tách ra khỏi hệ thống Bảo Việt từ năm 1995). Là một doanh nghiệp bảo hiểm lâu năm, có nhiều kinh nghiệm thực tế, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, tiềm lực tài chính đáp ứng yêu cầu đề ra, Bảo Việt quyết tâm chung tay góp sức cùng với Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm nhằm hỗ trợ nông dân giảm bớt những thiệt hại mà họ gặp phải khi đối mặt với những rủi ro mang tính thảm họa trên diện rộng.
Ông Nguyễn Quang Phi - nay là Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt - thời kỳ đó đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, là người được Tập đoàn Bảo Việt giao nhiệm vụ thay mặt Bảo Việt trực tiếp chỉ đạo điều hành hoạt động kinh doanh theo đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ. Ông Phi còn là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Hồi tưởng lại thời kỳ đầu mới được giao nhiệm vụ cách đây 3 năm, ông Phi kể, lúc đó, tâm nguyện của ông là nỗ lực để đưa bảo hiểm nông nghiệp trở thành chỗ dựa vững chắc của người nông dân và đóng góp cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà.
Ông khẳng định: “Bảo Việt sẵn sàng tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp với tinh thần doanh nhân đồng hành với nông dân và tinh thần doanh nghiệp vì sự phát triển của cộng đồng”.
Đồng hành cùng người dân
Cùng các cộng sự bắt tay triển khai chương trình bảo hiểm nông nghiệp, với kinh nghiệm của một người đã nhiều năm lăn lộn trong ngành bảo hiểm, ông Phi hiểu rất rõ những khó khăn đang chờ đợi phía trước, nhưng cũng nhận định những đường hướng rõ nét để đi đến thành công.
Đánh giá về bảo hiểm nông nghiệp, ông cho biết, cơ chế, chính sách cũng như cách tiếp cận theo Quyết định 315 của Thủ tướng chính phủ trong triển khai đề án bảo hiểm nông nghiệp khá thuận lợi, tạo công cụ cho người nông dân quản lý rủi ro và tìm kiếm nguồn tài chính bù đắp như hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân nghèo, hỗ trợ 80% cho nông dân cận nghèo và hỗ trợ 60% cho nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rủi ro rất lớn, hiệu quả kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp không cao. Ý nghĩa lớn nhất của việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là nhằm góp phần tích cực cho an sinh – xã hội, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Và cứ thế, những tháng ngày xuống thực địa, lội đồng lội ruộng cùng bà con nông dân bắt đầu. Những đêm thức trắng cùng cán bộ nông nghiệp xã, trăn trở tìm nguyên nhân con tôm bị nhiễm bệnh,… ông Phi thêm hiểu về nỗi vất vả của người nông dân và hiểu người dân thực sự cần bảo hiểm để đồng hành và san sẻ.
Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 của Chính phủ được triển khai trên 20 tỉnh thành với 3 sản phẩm chính là cây lúa, vật nuôi và thủy sản (riêng tại Nghệ An được phép triển khai thí điểm bảo hiểm cả vật nuôi và cây lúa). Sau 3 năm triển khai, chương trình bảo hiểm nông nghiệp đã thu hút được 304.017 hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia.
Bên cạnh những hộ nông dân nghèo (chiếm 76,8% tổng số hộ), hộ cận nghèo (15,1% tổng số hộ), đã có nhiều hộ nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm (24.711 hộ, chiếm 8,1%).
Tổng doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp là 394 tỷ đồng; cụ thể, thủy sản là 218.175 triệu đồng (chiếm 55,37%), cây lúa là 91.919 triệu đồng (chiếm 23,33%), vật nuôi là 83.906 triệu đồng (chiếm 21,3%). Trong đó, Bảo Việt đóng góp 68% tổng doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp của toàn thị trường.
Việc giải quyết bồi thường cho người dân được thực hiện đảm bảo theo quy định. Tổng kết 3 năm triển khai thí điểm đến hết 20/6/2014, các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường bảo hiểm là 701,8 tỷ đồng. Trong đó, thủy sản là 669,5 tỷ đồng (chiếm 95,4%); cây lúa là 19 tỷ đồng (chiếm 2,7%%); vật nuôi là 13,3 tỷ đồng (chiếm 1,9%). Qua tổng kết, chương trình thí điểm đã khẳng định sự đúng đắn về chính sách của Đảng và Nhà nước đồng thời ghi nhận những nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp bảo hiểm.
Thực tế đã chứng minh, sau 3 năm triển khai bảo hiểm nông nghiệp, ngành bảo hiểm nói chung và Bảo Việt nói riêng, đã đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng nền nông nghiệp phát triển ngày một toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; từ đó góp phần tạo nền tảng kinh tế xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Các hoạt động này một lần nữa, thể hiện vai trò tấm lá chắn cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung, vai trò xung kích của Bảo Việt nói riêng trong việc hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Vững bước truyền thống 50 năm
Năm 2015, Tập đoàn Bảo Việt sẽ tròn nửa thế kỷ đồng hành cùng nền kinh tế. Năm 2015 cũng là dấu mốc đáng tự hào của doanh nghiệp có bề dày truyền thống sâu rộng nhất trong lĩnh vực bảo hiểm nói riêng và ngành tài chính nói chung.
Với chặng đường nửa thế kỷ phát triển, Bảo Việt là một doanh nghiệp lớn mạnh trong sự lớn mạnh chung của cộng đồng. Trong quan điểm về sự phát triển của Bảo Việt, nếu mỗi doanh nghiệp ý thức hơn về vấn đề phát triển bền vững thì sẽ tạo nên những thay đổi lớn cho toàn xã hội trong hiện tại và cả thế hệ tương lai.
Do đó, dưới sự dẫn dắt của nhiều thế hệ lãnh đạo Bảo Việt và hiện tại là Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Phi, tất cả mọi hoạt động của Bảo Việt đều tập trung vào các hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh doanh lồng ghép với sự phát triển cộng đồng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường…
Quan điểm phát triển bền vững của Bảo Việt được cụ thể hóa trong các chương trình hành động: Xây dựng các mục tiêu cụ thể cho các bộ phận chức năng, các mục tiêu được lượng hóa thông qua các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả (KPIs), bao gồm cả các chỉ tiêu tài chính (kinh tế) và phi tài chính (môi trường và xã hội).
Trong chiến lược phát triển bền vững, Bảo Việt đã xác định ưu tiên mục tiêu vì một cộng đồng phát triển lành mạnh, an toàn và thịnh vượng. Đây là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, dịch vụ tài chính như Bảo Việt có thể phát triển và phục vụ lâu dài. Bảo Việt đã đẩy mạnh triển khai các loại hình sản phẩm bảo hiểm vi mô tới hàng triệu khách hàng nhằm giúp khách hàng thu nhập thấp, ở các khu vực nông thôn có thể tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm phục vụ cho cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh, sản xuất nông nghiệp của họ.
Những năm gần đây, vượt qua những thăng trầm của nền kinh tế, Bảo Việt luôn duy trì sự tăng trưởng ổn định. Giai đoạn 2008 - 2012, Bảo Việt đạt mức tăng trưởng tổng tài sản bình quân hơn 15%/năm, tăng trưởng vốn chủ sở hữu hơn 10%/năm, tăng trưởng doanh thu 14,6%/năm, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân 10%/năm, chi trả cổ tức hàng năm giai đoạn 2007 - 2012 ổn định ở mức 12 - 15%.
Năm 2013 là năm khó khăn của nền kinh tế nói chung và của ngành bảo hiểm nói riêng, Bảo Việt vẫn vững vàng hoàn thành kế hoạch năm 2013, trả cổ tức cho cổ đông ở mức 15%.
Năm 2014, dự báo tình hình kinh tế sẽ vẫn còn có nhiều khó khăn, Bảo Việt vẫn vững bước với kế hoạch tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt 7-8% và bảo hiểm nhân thọ đạt 14-15%.
Vị thế của Bảo Việt đã được khẳng định bằng nhiều giải thưởng danh giá của các tổ chức uy tín trong và ngoài nước trao tặng.
Trong năm 2013, Bảo Việt đã được vinh danh với các giải thưởng như Top 10 Nhãn hiệu nổi tiếng, Top 10 Doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt tiêu biểu về trách nhiệm xã hội; Thương hiệu đầu ngành Sao Vàng đất Việt; Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam; Doanh nghiệp nhà nước duy nhất công bố đầy đủ các nội dung thuộc phạm vi khảo sát về tính minh bạch của khu vực doanh nghiệp nhà nước do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố; Báo cáo Thường niên 2012 đạt giải đặc biệt…
Năm 2014, Bảo Việt tiếp tục khẳng định vị thế với Giải Nhất Báo cáo phát triển bền vững, Top 10 Báo cáo thường niên tốt nhất (xếp thứ 2 về kết quả bình chọn), Top 10 Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam; Top 10 Thương hiệu phát triển bền vững và sản phẩm chất lượng cao, Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Tháng 8/2014, Bảo Việt là một trong 10 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa tiêu biểu được vinh danh tại Diễn đàn M&A 2014; BVSC được bình chọn là “Công ty tư vấn M&A tiêu biểu 2013 - 2014” và “Tổ chức tư vấn cổ phần hóa tiêu biểu nhất”…
(Theo Đặc san Tự hào Doanh nhân Việt)
có thể bạn quan tâm