Lần đầu tiên, sau nhiều năm liên tục dẫn đầu thị trường về thị phần doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ, Bảo Việt nhân thọ đã "rớt hạng" và lùi về vị trí thứ hai.
Thế nhưng, khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Thanh, Phó tổng giám đốc Bảo Việt nhân thọ cũng như ban lãnh đạo của Tổng công ty này vẫn tỏ ra rất lạc quan khi nói về những thay đổi trong chiến lược kinh doanh của mình trong năm 2005 và tương lai.
Theo ông thì nguyên nhân khiến Bảo Việt nhân thọ mất vị trí dẫn đầu là gì?
6 tháng đầu năm, với doanh thu phí bảo hiểm 1.550 tỷ đồng, Bảo Việt nhân thọ đã nhường vị trí dẫn đầu thị trường cho Prudential (1.570 tỷ đồng).
Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường 6 tháng đầu năm ước đạt 3.919 tỷ đồng, Prudential vươn lên dẫn đầu thị trường với 39,9% thị phần, Bảo Việt: 38,4%; Manulife: 10,8%; AIA: 7,7%; Bảo Minh-CMG: 3,2%.
Thay vì coi trọng đến tỷ lệ thị phần như vẫn thường thấy trong những năm trước đây, hiện nay đối với Bảo Việt nhân thọ thì hiệu quả kinh doanh mới là yếu tố được coi trọng đưa lên hàng đầu.
Theo thống kê, Bảo Việt nhân thọ hiện vẫn là doanh nghiệp có số hợp đồng khai thác mới (120.893 hợp đồng) cũng như tổng số hợp đồng có hiệu lực (1.674.006 hợp đồng) nhiều nhất thị trường.
Sự chuyển đổi chiến lược kinh doanh lúc này, thể hiện rõ nhất là gì?
Điểm dễ nhìn thấy nhất thể hiện sự chuyển đổi chiến lược kinh doanh của Bảo Việt nhân thọ là việc cắt giảm 18% chi phí (so với năm trước) để dành khoản tiền này bổ sung vào hạng mục đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực. 20 tỷ đồng cũng đã được thu xếp để đầu tư bổ sung cho chương trình phát triển công nghệ thông tin.
Chúng tôi đang tiến tới chuẩn hoá quốc tế 4 vấn đề: nhân sự, công nghệ, sản phẩm và trình độ quản lý. Một "tiêu chuẩn - chức danh - nghiệp vụ" cho từng vị trí, kiện toàn bộ máy tới từng công ty thành viên sẽ sớm được ban hành.
Đồng thời, các cán bộ của Bảo Việt nhân thọ sẽ được liên tục đào tạo và đào tạo lại trong nước hoặc nước ngoài. Mô hình liên kết đào tạo cũng đang được chúng tôi đẩy mạnh mà bằng chứng là việc gia nhập LIMRA (Hiệp hội marketing và nghiên cứu bảo hiểm nhân thọ quốc tế) hồi đầu năm, một loạt khoá đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế đã và đang được liên kết triển khai.
Ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ và mở rộng các dịch vụ chăm sóc khách hàng, tại Bảo Việt nhân thọ, các chỉ tiêu quản lý chất lượng như tỷ lệ duy trì hợp đồng, tỷ lệ tái tục hợp đồng bảo hiểm khi đáo hạn, tăng số tiền bảo hiểm trung bình của hợp đồng... đang được coi trọng hơn bao giờ hết.
Với chiến lược kinh doanh mới, liệu Bảo Việt nhân thọ có giành lại vị trí dẫn đầu trong 6 tháng cuối năm không?
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, số lượng hợp đồng khai thác mới của toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm 2005 đã giảm 22% so với cùng kỳ 2004. Thị trường đã qua thời điểm phát triển nóng và đi vào ổn định.
Cuối năm, 2 trong số 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vừa được cấp phép là Prévoir và ACE Life sẽ chính thức đi vào hoạt động, New York Life dự kiến hoạt động vào cuối năm 2006. Một loạt doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài khác cũng đang chờ cấp phép. Cạnh tranh rõ ràng đang trở nên gay gắt hơn.
Trong bối cảnh này, Bảo Việt nhân thọ vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 18% cho năm 2005 và tiếp tục khẳng định vị thế là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hiệu quả nhất.
Dẫu thị trường bảo hiểm Việt Nam đã phát triển khá tốt trong những năm qua, nhưng khoảng một năm trở lại đây, xu hướng phá bỏ hợp đồng giữa chừng tại các công ty bảo hiểm nhân thọ lại có chiều tăng lên. Bảo Việt có gặp phải tình trạng này không?
Đúng là trong năm 2004 vừa qua tỷ lệ hợp đồng phá bỏ giữa chừng của các công ty đều có chiều hướng tăng lên nhưng tỷ lệ này giữa các công ty là khác nhau (tỷ lệ này của Bảo Việt nhân thọ khoảng 9% trong khi trung bình của thị trường là trên 20%).
Theo tôi, việc có một tỷ lệ nhất định khách hàng hủy bỏ hợp đồng trong quá trình tham gia bảo hiểm là chuyện bình thường vì thời hạn bảo hiểm khá dài, từ 5 năm đến vài chục năm.
Trong quá trình đó, có rất nhiều sự kiện có thể xẩy ra với khách hàng như: khách hàng khó khăn về tài chính, đi nước ngoài, lo ngại việc mất giá, không hài lòng về việc phục vụ của các công ty bảo hiểm,... nên khách hàng không muốn tiếp tục duy trì hợp đồng nữa.
Tỷ lệ này thời gian qua tăng lên, theo tôi chủ yếu là do tâm lý của nhiều khách hàng khi thấy giá cả leo thang nên e ngại lạm phát giá trị đồng tiền sau này mất giá. Việc giá cả tăng cao thì khách hàng không có lợi, các công ty bảo hiểm nhân thọ không có lợi và hầu hết các ngành kinh tế đều không có lợi.
Trong điều kiện nền kinh tế có ít sự chọn lựa thích hợp để đầu tư, Công ty đã làm gì với khoản phí bảo hiểm lớn đã thu được?
Phương châm đầu tư của Bảo Việt trong những năm qua là: thận trọng, an toàn và hiệu quả. Ngoài đầu tư vào trái phiếu Chính phủ - hình thức đầu tư có độ an toàn cao, lãi suất cố định, có thể định lượng được trước số thu, chủ yếu chúng tôi đầu tư vào các lĩnh vực, dự án phát triển nền kinh tế và thực tế một số dự án đang tạo ra hiệu quả khá cao.
Hiện tại, chúng tôi cũng đang đầu tư vào khoảng 30 dự án ở nhiều lĩnh vực: sản xuất, thương mại, tài chính ngân hàng, du lịch... và tất nhiên, chúng tôi vẫn đang quản lý tốt vốn đầu tư và cũng đang tỏ ra có hiệu quả. Năm 2004, lãi từ đầu tư tài chính của Bảo Việt nhân thọ đạt 655 tỷ đồng, là doanh nghiệp có lợi nhuận đầu tư lớn nhất.
có thể bạn quan tâm