Nhảy đến nội dung

trang chủ tin tức - sự kiện

Bảo Việt sẽ giữ vững thị phần

Phỏng vấn ông Trần Trọng Phúc, Tổng giám đốc Bảo Việt Việt Nam

“…Tôi tin rằng với việc tập trung đầu tư mạnh vào viễn thông, công nghệ thông tin, xây dựng nguồn nhân lực, có thêm nhiều sản phẩm đó dạng hơn, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của mọi tầng lớp dân cư thì việc giữ được thị phần như hiện nay đối với Bảo Việt là có thể”.
 
Để nâng cao tính chuyên môn hóa các hoạt động của Bảo Việt cũng như thực hiện lộ trình trở thành Tập đoàn tài chính - bảo hiểm sau năm 2005, Bộ Tài chính đã cho phép thành lập Bảo hiểm Việt Nam (tên thương mại là Bảo Việt Việt Nam) trực thuộc Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam.

Bảo Việt Việt Nam chuyên kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ với số vốn điều lệ là 900 tỷ đồng.

Thưa ông, việc tách bảo hiểm phi nhân thọ hoạt động độc lập có ý nghĩa như thế nào?

Việc chia tách này nằm trong chiến lược do Bộ Tài chính hoạch định và đã được Chính phủ phê chuẩn. Đó là sau năm 2005 sẽ xây dựng Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) thành một tập đoàn tài chính - bảo hiểm lớn mạnh của Việt Nam.

Hiện nay, Bảo Việt đang hoạt động trên các lĩnh vực là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và đầu tư tài chính. Với việc tách hai nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ thành hai hoạt động độc lập với nhau, Tổng công ty bây giờ sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như quản lý kinh doanh, đầu tư tài chính, hoạch định chiến lược phát triển, hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng cơ bản, tức là đảm đương vai trò của tập đoàn sau này. Đây là bước tiến quan trọng để trở thành tập đoàn tài chính bảo hiểm.

Việc tách ra như thế này để chuyên môn hóa và tăng thêm tính chuyên nghiệp. Khi đã chuyên môn hóa thì sự nhanh nhạy, chuyển đổi sẽ tốt hơn, khả năng cạnh tranh cũng sẽ nâng cao và tất nhiên sẽ thúc đẩy toàn thị trường đi lên.

Thời điểm này có được xem là thuận lợi cho việc tách ra hoạt động độc lập chưa, thưa ông?

Tôi nghĩ đây là thời điểm phù hợp vì Luật kinh doanh bảo hiểm đã có hiệu lực, trong đó quy định rõ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải tách riêng họat động bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Sau 2005, có quyết định thành lập tập đoàn thì đây chính là bước chuẩn bị.

Bên cạnh đó, năm 2006 Hiệp định thương mại Việt - Mỹ chính thức có hiệu lực thi hành về lĩnh vực này thì việc tách ra từ bây giờ là bước chuẩn bị hợp lý cho việc tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập thành công của Bảo Việt.

Xin ông cho biết, kế hoạch mà Bảo Việt Việt Nam sẽ làm trong thời gian tới?

Tôi cho rằng bằng mọi biện pháp Bảo Việt Việt Nam cần giữ vững thị phần, tăng trưởng và phát triển hiệu quả. Tiếp tục trong vài ba năm tới phải giữ vững thị phần là 41% -42%, đạt mức tăng trưởng doanh thu to 15-20%, vẫn tăng được hiệu quả kinh doanh, đó dạng hóa sản phẩm bằng việc đưa ra nhiều sản phẩm mới.

Tuy nhiên thời gian tới, với chủ trương mở cửa thị trường của Nhà nước ta, khi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực thi hành, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp được phép hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài thì thị phần của Bảo Việt sẽ giảm, nhưng doanh số vẫn phải tiếp tục tăng.

Để đạt được mục tiêu giữ vững thị phần và tăng doanh thu, hiệu quả, Bảo Việt cần có những biện pháp tích cực đi kèm. Định hướng kinh doanh cơ bản của Bảo Việt Việt Nam với mục tiêu là thực hiện nguyên tắc vàng "Đổi mới, tăng trưởng và hiệu quả" để phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, Bảo Việt tiếp tục đầu tư vào công nghệ thông tin, công tác đào tạo cán bộ, thu hút nhân tài; thực hiện các chiến dịch tuyên truyền quảng cáo; cải tiến sản phẩm, phạm vi bảo hiểm cũng sẽ được nghiên cứu mở rộng hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao tính hấp dẫn về sản phẩm. Các sản phẩm đáp ứng cho đối tượng khách hàng có thu nhập cao sẽ được áp dụng, đồng thời đưa ra thêm nhiều loại hình bảo hiểm khám chữa bệnh hoặc bảo hiểm y tế có mức trách nhiệm cao, khi người mua bảo hiểm bị bệnh thì có thể được ra nước ngoài chữa bệnh. Giả dụ như sản phẩm bảo hiểm trong trường hợp ốm đau, khách hàng có thể lựa chọn điều trị tại nước ngoài hoặc bệnh viện quốc tế tại Việt Nam thay vì chỉ được khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện trong nước như hiện nay.

Với sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, ông có tin rằng Bảo Việt vẫn giữ được thị phần 41% như hiện nay?

Tôi tin rằng với việc tập trung đầu tư mạnh vào viễn thông, công nghệ thông tin, xây dựng nguồn nhân lực, có thêm nhiều sản phẩm đó dạng hơn, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của mọi tầng lớp dân cư thì việc giữ được thị phần như hiện nay đối với Bảo Việt là có thể.

Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng, thị phần này chỉ có thể giữ được trong vài năm tới, còn sau đấy tỷ trọng có thể giảm dần nhưng doanh số vẫn tăng và từ nay đến năm 2010 mức tăng bình quân giữ ở mức 15%.

Tôi lấy ví dụ, năm 1995 một mình một thị trường doanh thu của Bảo Việt đạt gần 400 tỷ đồng. Năm 2000 thị phần đạt 50-60% nhưng doanh số của Bảo Việt lên tới 950 tỷ đồng. Bây giờ doanh số lên tới 2.000 tỷ đồng năm 2004 nhưng thị phần chỉ có 41%, tức là miếng bánh của Bảo Việt nhỏ hơn và do vậy thị phần tất yếu giảm xuống theo đúng quy luật của nó.

Ông dự báo thế nào về thị trường bảo hiểm phi nhân thọ?

Theo tôi, tình hình kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tốt. Đối với bảo hiểm xe cơ giới thì Chính phủ sắp ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 15, rõ ràng có tác động tích cực, vì trong đó tiếp tục khẳng định việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe cơ giới là đúng và cần thiết.

Từ nay đến cuối năm việc giải ngân nguồn ngân sách cho các công trình sẽ được đẩy mạnh hơn đầu năm. Đầu năm học là mùa bảo hiểm học sinh và giáo viên. Nếu cuối năm Nghị định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc có hiệu lực thì sẽ thêm một điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Hơn nữa Chính phủ đang chỉ đạo giữ được mức tăng GDP như kế hoạch và thực hiện nhiều biện pháp khác để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Theo tôi, từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố thuận lợi để bảo hiểm phi nhân thọ phát triển tốt hơn 6 tháng đầu năm.

(Lan Hương - Thời báo Kinh tế Việt Nam 23/08/2004)

có thể bạn quan tâm

Tin tức liên quan