Nhảy đến nội dung

trang chủ tin tức - sự kiện

Bộ Tài chính tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp có bài diễn văn khẳng định: Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta học tập và noi theo. Người đã động viên sức dân ngay trong khi nước nhà còn bộn bề công việc nhằm chuẩn bị sức người, sức của cho công cuộc “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng loạt các biện pháp về tài chính được triển khai đã khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh tổng hợp của nhân dân. Nguồn lực tài chính cho kháng chiến được huy động mạnh mẽ thông qua Quỹ Độc lập, Tuần lễ vàng, Công phiếu kháng chiến, Công trái quốc gia. Tinh thần thi đua yêu nước của Ngành Tài chính còn được thực hiện trong suốt các thời kỳ, từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam cũng như từ khi hòa bình lập lại đến nay. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, từ một nền tài chính non trẻ, chúng ta đã xây dựng được một nền tài chính trưởng thành trên mọi mặt, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thấm nhuần lời dạy của Người: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất, toàn thể cán bộ nhân viên Ngành tài chính tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc gắn với việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hàng năm, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã phát động nhiều đợt thi đua với mục tiêu, nội dung và biện pháp thiết thực, cuốn hút cán bộ nhân viên toàn Ngành hăng hái tham gia. Đặc biệt kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, phong trào thi đua tiếp tục có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Ngành. Vai trò, tác dụng của công tác thi đua, khen thưởng đã được phát huy, có sức ảnh hưởng trực tiếp, thiết thực.
Thay mặt hơn 80 đại biểu đại diện cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của Ngành Tài chính, một số đại biểu đến từ các đơn vị có thành tích thi đua nổi bật đã có tham luận trình bày những kết quả đạt được trong phong trào thi đua tại đơn vị. Đồng chí Nguyễn Công Bình - Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt Sài Gòn thuộc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt - đơn vị thành viên của Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt có bài tham luận đáng chú ý “Tăng trưởng, hiệu quả, phát triển bền vững - mục tiêu chính trong phong trào thi đua của Bảo Việt Sài Gòn”. Bài tham luận nêu rõ một số kết quả bước đầu của Công ty trong phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới. Phong trào thi đua đã tạo được những chuyển biến đáng kể: Cấp ủy Đảng và Lãnh đạo công ty thường xuyên chú trọng việc tuyên truyền giáo dục công tác thi đua khen thưởng; đẩy mạnh đổi mới nội dung và hình thức thi đua; gắn nội dung chỉ tiêu thi đua với điểm thi đua cụ thể, thiết thực; gắn thi đua với phát huy sáng kiến cải tiến quy trình công tác; thực hiện tốt yêu cầu công khai, dân chủ, công bằng trong đánh giá, bình xét, biểu dương kịp thời các nhân tố điển hình tiên tiến…

Để đẩy mạnh đổi mới phong trào thi đua yêu nước; năng động, sáng tạo, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, hăng hái thi đua lập nhiều thành tích mới; theo tinh thần Chỉ thị số 19/CT-TW ngày 22/12/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tài chính kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong toàn Ngành Tài chính tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Tiếp tục quán triệt, học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, gắn với triển khai sâu rộng và có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua với nhiệm vụ chính trị và các chương trình công tác được giao, hướng vào những việc trọng tâm, đột xuất, việc khó; Đẩy mạnh các biện pháp phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các mô hình mới; Tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ…

Hưởng ứng lời kêu gọi trên, thay mặt cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tài chính, đồng chí Dương Đức Minh - Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài chính đã gửi tới Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tài chính bản Quyết tâm thư xây dựng Ngành Tài chính vững mạnh, đảm bảo tài chính thực sự là một trong những công cụ quản lý vĩ mô có hiệu quả của Nhà nước.

có thể bạn quan tâm

Tin tức liên quan