Ngày 12/7 vừa qua tại khách sạn Daewoo, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Hải Ngoại ISJ 2005 về Bảo hiểm xe cơ giới và an toàn giao thông đường bộ. Hội thảo do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hiệp hội bảo hiểm Phi nhân thọ Nhật Bản và Học viện Bảo hiểm Phi Nhân thọ Nhật Bản phối hợp tổ chức.
Tới dự hội thảo có ông Trịnh Quang Tuyến – Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam; ông Eiji Nishiura – Giám đốc điều hành Hiệp hội bảo hiểm Phi nhân thọ Nhật Bản; ông Hiroyoshi Wada - Giám đốc điều hành Học viện bảo hiểm Phi nhân thọ Nhật Bản; ông Yoshinori Ichikawa – Tổng Giám đốc, Ban đào tạo quốc tế, Học viện Bảo hiểm Phi Nhân thọ Nhật Bản; ông Tomohiro Nakamura – Phó Giám đốc, Ban khai thác bảo hiểm xe cơ giới, Sompo Japan Insurance Inc và ông Takeshi Watanabe – Giám đốc điều hành Aioi Rish Consulting Co., Ltd thuộc Aioi Insurance Group.
Hội thảo cũng hân hạnh được đón tiếp ông Phùng Ngọc Khánh – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Xuân Thủy – Phó Tổng Giám đốc Bảo Việt Việt Nam; đại diện của các công ty bảo hiểm đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam; đại diện các cơ quan báo chí, thông tấn, phát thanh, truyền hình.
ISJ là tên viết tắt của Trường đào tạo bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản – do Hiệp hội bảo hiểm Phi nhân thọ Nhật Bản và Học viện Bảo hiểm Phi Nhân thọ Nhật Bản thành lập năm 1972. Trong nhiều năm nay, ISJ đã tiến hành các chương trình đào tạo được thiết kế đặc biệt dành cho những người đang tham gia hoạt động bảo hiểm ở khu vực Đông Á. Mục tiêu của chương trình này là tạo ra một diễn đàn chung cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm cùng nhau giải quyết các vấn đề chung, đồng thời trao đổi thông tin và quan điểm về những vấn đề đang tồn tại trên thị trường khu vực và góp phần tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa họ.
Chương trình này được chia làm ba phần, là “Khóa đào tạo kiến thức cơ bản”, “Khóa đào tạo chuyên sâu” và “Hội thảo hải ngoại”. Các “Khóa đào tạo kiến thức cơ bản” và “Khóa đào tạo chuyên sâu” được tổ chức hàng năm tại Tokyo, trong khi đó “Hội thảo hải ngoại” sẽ được chỉ định luân phiên tại một thành phố thuộc khu vực có các học viên tham dự khóa học ISJ. Năm 2005, “Hội thảo Hải ngoại” đã được tổ chức tại Việt Nam.
Trên thực tế, việc đảm bảo an toàn giao thông, đề phòng hạn chế tổn thất và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông luôn là vấn đề nóng bỏng và nổi cộm tại Việt Nam, và luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước. Chính phủ đã ban hành nhiều Quyết định, Nghị định và chỉ thị nhằm đưa ra nhiều giải pháp tuyên truyền giáo dục, ngăn ngừa hạn chế tai nạn giao thông. Công tác đảm bảo an toàn giao thông đã được xã hội hóa với sự tham gia đông đảo của các đoàn thể xã hội và tổ chức kinh tế.
Được phép của Chính phủ, ngay từ những năm 80, Bảo Việt đã tiến hành bảo hiểm trách nhiệm chủ xe cơ giới, bảo hiểm tai nạn hành khách, bảo hiểm vật chất thân xe, ngành bảo hiểm đã góp phần tích cực vào sự nghiệp đảm bảo an toàn giao thông, đề phòng hạn chế tổn thất và khắc phục tai nạn giao thông đường bộ. Năm 2004 vừa qua, ngành bảo hiểm Việt Nam đã giải quyết bồi thường cho 120.000 vụ tai nạn giao thông với số tổng số tiền bồi thường lên tới 749 tỷ đồng và lập quỹ dự phòng bồi thường trên 500 tỷ đồng cho những tổn thất phát sinh đang làm thủ tục giải quyết. Ngoài ra các doanh nghiệp bảo hiểm còn chi hàng trăm tỷ đồng xây dựng đường lánh nạn, hàng rào đảm bảo an toàn giao thông, gương cầu lồi trên các đường quanh co, các biển báo và cảnh báo tai nạn. Cùng với những nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm, người dân cũng đã có ý thức hơn về tham gia bảo hiểm xe cơ giới và các cấp, các ngành chính quyền địa phương ngày càng ủng hộ hoạt động bảo hiểm xe cơ giới góp phần đảm bảo an toàn giao thông giải quyết kịp thời tai nạn được bảo hiểm...
Từ thực trạng đó, Hội thảo Hải ngoại năm nay được tổ chức có mục tiêu là chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng mà ngành bảo hiểm Phi nhân thọ Nhật Bản đã tích lũy từ trước cho tới nay trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới, nhấn mạnh tới hệ thống bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự và nghiên cứu sâu hơn về các hệ thống phòng ngừa hạn chế tổn thất phục vụ khách hàng.
Trong thời gian Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản giới thiệu, giải thích và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về bảo hiểm xe cơ giới và an toàn giao thông đường bộ, thể hiện ở ba vấn đề chính sau:
- Một là: Nhằm giúp hiểu rõ hơn những kinh nghiệm, kỹ năng về bảo hiểm xe cơ giới và an toàn giao thông đường bộ, các diễn giả từ Nhật Bản đã trình bày bức tranh toàn cảnh về thị trường bảo hiểm Phi nhân thọ Nhật Bản và thị trường bảo hiểm xe ô tô, trong đó khái quát về lịch sử hình thành và phát triển, tình hình thị trường Nhật Bản hiện nay, bảo hiểm xe cơ giới – các loại hình và nguồn luật liên quan ....
- Hai là: Thực trạng trong lĩnh vực bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc tại Nhật Bản và cơ chế hoạt động của nó.
- Ba là: Kiểm soát rủi ro và hướng tới mục tiêu an toàn giao thông đường bộ.
Với kinh nghiệm thực tế phong phú và khả năng trình bày lôi cuốn, các diễn giả đã cung cấp cho Hội thảo nhiều kiến thức bổ ích và thiết thực về bảo hiểm xe ô tô ở Nhật Bản. Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản nói chung và hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng có nhiều nét khác biệt so với Việt Nam. Tuy nhiên những bài học về bảo hiểm của đất nước có ngành bảo hiểm phát triển mạnh như Nhật Bản sẽ có giá trị tham khảo và soi đường rất tốt cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng được lắng nghe những ý kiến của những chuyên gia bảo hiểm của Việt Nam về vấn đề bảo hiểm xe cơ giới thông qua các bài tham luận xoay quanh các vấn đề như cứu hộ giao thông, trục lợi bảo hiểm và giải quyết khiếu nại... trong bảo hiểm xe cơ giới. Phần cuối cùng của là phần hỏi đáp – thảo luận với sự trình bày giải đáp của các chuyên gia bảo hiểm Nhật Bản đã thỏa mãn phần nào thắc mắc của các đại biểu tham dự.
Một ngày làm việc sôi nổi của Hội thảo đã kết thúc bằng bài diễn văn bế mạc của ông Hiroyoshi Wada - Giám đốc điều hành Học viện bảo hiểm Phi nhân thọ Nhật Bản. Trong bài phát biểu, ông Hiroyoshi Wada đã đánh giá cao thiện chí của các chuyên gia bảo hiểm Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa ngành bảo hiểm hai nước, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về tương lai của ngành bảo hiểm Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế.
Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ còn nhiều cuộc hội thảo quốc tế thiết thực xoay quanh các vấn đề thời sự trong bảo hiểm như Hội thảo Hải ngoại ISJ 2005 nhằm cung cấp các kinh nghiệm về nghiệp vụ và quản lý cho các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam từng bước hoàn thiện hoạt động kinh doanh của mình. Điều đó sẽ càng trở nên có ý nghĩa hớn khi Việt Nam đang chuẩn bị mở cửa thị trường bảo hiểm hoàn toàn trong lộ trình gia nhập WTO.
LMĐ
có thể bạn quan tâm