Nhảy đến nội dung

trang chủ tin tức - sự kiện

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thăm và làm việc với Bảo Việt

Sáng ngày 23 tháng 06 năm 2004, tại trụ sở chính Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam, đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gồm có bà Sukanda Lewis – chuyên gia tài chính Phòng Quản lý, Tài chính và Thương mại thuộc Tiểu vùng Sông Mê kông, và ông Oliver E.Reichert – chuyên gia tư vấn về bảo hiểm, đã đến thăm và làm việc với Bảo Việt. Tiếp đoàn có ông Hoàng Xuân Điều – phó phòng bảo hiểm xe cơ giới, phụ trách bảo hiểm nông nghiệp của Bảo Việt.

Đây là chuyến đi khảo sát thực trạng bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam của ADB trong chương trình hợp tác với Bộ Tài chính về phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam. Với đặc thù là một nước nông nghiệp với gần 80% dân số sống và làm việc tại khu vực nông nghiệp – nông thôn, đồng thời hàng năm phải gánh chịu rất nhiều thiên tai, dịch bệnh, song bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam còn khá nhỏ bé và yếu ớt, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, trong những vụ tổn thất lớn vừa qua như dịch cúm gia cầm trên phạm vi toàn quốc hay sự kiện tôm chết hàng loạt ở đồng bằng sông Cửu Long, ngành bảo hiểm hầu như còn đứng ngoài cuộc. Đây là vấn đề rất nhức nhối không chỉ đối với người nông dân, với bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm mà còn là nỗi bức xúc của toàn xã hội, đòi hỏi phải có biện pháp xử lý hữu hiệu. Đó cũng là mối quan tâm của đoàn công tác ADB trong buổi làm việc lần này.

Phóng viên chúng tôi đã có mặt tại buổi làm việc và ghi lại nội dung cuộc phỏng vấn:

-Ông Oliver E.Reichert: Xin ông có thể cho biết đôi điều về tình hình phát triển của bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam?
-Ông Hoàng Xuân Điều: Bảo hiểm nông nghiệp được Bảo Việt (và cũng là doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất) triển khai vào năm 1982, đối tượng bảo hiểm ban đầu là cây lúa. Sau thời gian 3 năm hoạt động, nhận thấy nghiệp vụ này có nhiều bất cập, không thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ, Bảo Việt đã ngừng cung cấp dịch vụ này ra thị trường. Đến năm 1994, Bảo Việt mới quay trở lại kinh doanh nghiệp vụ này.
Trong vòng 5 năm từ 1994-1998, bảo hiểm cây lúa đã được nhân rộng trên địa bàn 16 tỉnh với diện tích lúa được bảo hiểm là 200.000 hecta.
Hiện nay, chúng tôi chủ yếu triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho hai đối tượng là cây cao su và bò sữa, doanh thu từ bảo hiểm mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng.

-Ông Oliver: Tôi được biết trước đây đã có FAO (Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc) nghiên cứu về bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam. Vậy từ đó tới nay đã có công trình nào tương tự như vậy hay chưa?
-Ông Điều: Chính tôi cũng là người tham gia dự án đó của FAO. Nhưng từ đó đến nay, chưa có thêm một công trình nghiên cứu nào khác.

-Ông Oliver: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay?
-Ông Điều: Có thể nói, bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam là một lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng, tựa như một mảnh đất chưa có người khai phá song lại khá cằn cỗi. Vì thế, để thu hút được các nhà bảo hiểm đến canh tác thì mảnh đất đó cần phải màu mỡ, phì nhiêu. Không ai khác mà chính là Nhà nước sẽ cần phải đóng vai trò tích cực trong việc cải tạo mảnh đất này.

-Ông Oliver: Liệu các ông có quay trở lại bảo hiểm cho cây lúa không?
-Ông Điều: Hiện tại thì chưa, bởi lẽ bảo hiểm cây lúa có nhiều bất cập, đó là: tiến hành bảo hiểm trên diện rộng nên công tác quản lý rủi ro gặp nhiều khó khăn, mặt khác tổn thất nếu xảy ra thường rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

-Ông Oliver: Theo ông, để tháo gỡ những khó khăn trong bảo hiểm nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng, cần phải làm gì?
-Ông Điều: Tôi cho rằng có hai vấn đề mấu chốt: Một là Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý cho bảo hiểm nông nghiệp; Hai là cần có những biện pháp nhằm thay đổi thái độ và nhận thức của người dân về bảo hiểm nông nghiệp.

-Ông Oliver: Ông có thể nói rõ hơn?
-Ông Điều: Nhà nước cần có cơ chế nhằm phối hợp giữa bảo hiểm và ngân hàng, cụ thể là kết hợp việc cho nông dân vay vốn ngân hàng với bán bảo hiểm nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ một phần phí bảo hiểm cho bà con nông dân. Mặt khác, nên hạn chế, tiến tới bỏ dần cơ chế khoanh nợ, xóa nợ mỗi khi có thiên tai xảy ra để người dân tự giác hình thành ý thức tham gia bảo hiểm.
Tôi đã sang Philippine khảo sát và thấy họ kết hợp giữa bảo hiểm nông nghiệp với ngân hàng rất hiệu quả.

-Ông Oliver: Nếu Nhà nước Việt Nam thực hiện những cơ chế như ông vừa nêu, liệu rằng khi đó Bảo Việt có quay lại phát triển bảo hiểm nông nghiệp không?
-Ông Điều: Bảo Việt là doanh nghiệp kinh doanh, do đó nếu nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chắc chắn chúng tôi sẽ phát triển nghiệp vụ này. Hơn nữa, với đặc thù là doanh nghiệp nhà nước nên bất cứ khi nào Nhà nước cần, chúng tôi sẵn sàng phục vụ các nhiệm vụ chính trị được giao phó.

-Ông Oliver: Còn về thái độ của người dân? Để nông dân thay đổi được thái độ về bảo hiểm cần phải mất nhiều thời gian?
-Ông Điều: Đúng thế! Do đó, trước hết cần bán bảo hiểm cho các đối tượng là những chủ trang trại, những người sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, giúp họ quen dần với bảo hiểm. Sau đó mới đến những người nông dân khác.

-Ông Oliver: Ông có cho rằng ngoài các chủ trang trại, các hộ nông dân khá giả thì những người nông dân nghèo cũng là những đối tượng khách hàng tiềm năng của bảo hiểm nông nghiệp không?
-Ông Điều: Rất khó! Vì khả năng tài chính của họ không đảm bảo và thái độ của họ đối với bảo hiểm lại không tốt. Kinh nghiệm của chúng tôi những năm qua cho thấy mặc dù chúng tôi đã đi vận động đến từng người dân, song tỷ lệ tham gia bảo hiểm là rất nhỏ.

-Ông Oliver: Hiện nay số hộ nông dân nghèo vay vốn có nhiều không, thưa ông?
-Ông Điều: Dù không hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, song theo tôi đánh giá số lượng này là khá lớn.

-Ông Oliver: Việc gắn bảo hiểm với vay vốn ngân hàng cũng có nghĩa là biến bảo hiểm nông nghiệp thành bắt buộc?
-Ông Điều: Có lẽ cũng cần phải như thế! Qua thực tế ở Philippine, tôi thấy tất cả các hộ vay vốn ngân hàng đều phải mua bảo hiểm, tuy nhiên họ được nhà nước hỗ trợ 50% phí bảo hiểm.

-Ông Oliver: Ông cho rằng mô hình này ở Philippine là thành công?
-Ông Điều: Đúng, họ đã thành công vì việc thuyết phục nông dân tự nguyện tham gia bảo hiểm là rất khó. ở Philippine chỉ có một doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp duy nhất và là thuộc sở hữu nhà nước.

-Ông Oliver: Nhà nước có phải hỗ trợ không?
-Ông Điều: Có, trong trường hợp thiên tai, thảm họa xảy ra.

-Ông Oliver: Tôi hiểu. Thực tế tại các nước đều như thế. Tất cả nhà nước đều là “người tái bảo hiểm cuối cùng” khi có thiên tai lớn.
-Ông Oliver: Các ông có tái được bảo hiểm nông nghiệp không?
-Ông Điều: Nhìn chung, tái bảo hiểm nông nghiệp rất khó. Đối với cây cao su, công ty tái bảo hiểm không nhận tái bảo hiểm đối với rủi ro hỏa hoạn. Còn đối với bảo hiểm bò sữa, vì quy mô quá nhỏ nên chúng tôi không tiến hành tái.

-Ông Oliver: Ông có cho rằng gian lận bảo hiểm là vấn đề lớn không?
-Ông Điều: Đúng là như vậy, bởi vì bảo hiểm nông nghiệp có đặc thù là đối tượng bảo hiểm trải ra trên diện rộng, nên việc quản lý rủi ro gặp rất nhiều khó khăn.

-Ông Oliver: Ông nghĩ gì về hoạt động của công ty bảo hiểm nông nghiệp Groupama tại Việt Nam?
-Ông Điều: Trước đây tôi đã sang Pháp và thấy họ làm rất tốt. Groupama là công ty đã có trên 100 năm kinh nghiệm và hiện đang đứng đầu thị trường Pháp về bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng họ cũng đang vấp phải những khó khăn như Bảo Việt đã từng gặp.

-Ông Oliver: Tôi hơi băn khoăn là tại sao Groupama lại đi tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm thủy sản ở Việt Nam – một lĩnh vực có khá nhiều rủi ro?
-Ông Điều: Điều này thuộc về chiến lược của Groupama, song tôi suy đoán rằng mục tiêu của họ nhắm vào bảo hiểm tài sản trong lĩnh vực thủy sản, hơn là bảo hiểm cây trồng, vật nuôi.

-Ông Oliver: Ông có cho rằng vì Groupama là công ty tương hỗ, mỗi người nông dân mua bảo hiểm cũng là chủ sở hữu công ty nên họ làm ăn có hiệu quả hơn không?
-Ông Điều: Tôi thì nghĩ khác. Cho dù ở hình thức tổ chức công ty nào thì khi kinh doanh cũng đều cần tới lợi nhuận.

-Ông Oliver: Tôi nghĩ Groupama và Bảo Việt nên hợp tác để mở rộng thị trường, không nên nghĩ tới cạnh tranh vì “miếng bánh” hiện nay còn quá nhỏ.
-Ông Điều: Chúng tôi cũng đồng ý như vậy. Bảo Việt cũng muốn công ty này kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam để chúng tôi có thêm cơ hội học hỏi.

-Ông Oliver: Quay trở lại vấn đề chính sách và thái độ của người dân. Nếu điều kiện ở nước các bạn cũng tương tự như Philippine thì liệu rằng bảo hiểm nông nghiệp có phát triển tốt không?
-Ông Điều: Chúng tôi đã nghiên cứu khá kỹ tình hình ở Philippine và thấy có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam không phải là Philippine, vì thế nếu có áp dụng mô hình đó thì cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

-Ông Oliver: Ông có thấy điểm nào còn yếu kém trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp ở Philippine?
-Ông Điều: Trong mấy năm gần đây, bảo hiểm nông nghiệp ở nước này đang bị thu hẹp lại, có lẽ là do chính phủ phải tài trợ quá nhiều nên nghiệp vụ này không được khuyến khích như trước.

-Ông Oliver: Tôi rất tiếc rằng hiện nay ở hầu hết các nước trên thế giới, mặc dù nói rằng bảo hiểm nông nghiệp là một loại hình kinh doanh song thực ra cũng vẫn là một hình thức trợ cấp của chính phủ. Do vậy rất khó tìm được một mô hình hợp lý để học tập.
-Ông Điều: Đúng như thế. Trong một cuốn sách của FAO về đề tài này có nói rằng nếu chính phủ không can thiệp thì đừng nói đến bảo hiểm nông nghiệp.

-Ông Oliver: Mục đích của Ngân hàng ADB chúng tôi là muốn tạo lập ra một cơ chế nào đó để bảo hiểm nông nghiệp thực sự là kinh doanh, từ đó có thể duy trì và phát triển một cách bền vững, chứ không phải là dựa vào chính phủ như hiện nay.
-Ông Điều: Theo tôi được biết, Groupama chia rủi ro được bảo hiểm ra làm hai loại: Thứ nhất là loại rủi ro thông thường (sẽ mang tính thương mại); thứ hai là loại rủi ro mang tính thảm họa (sẽ do chính phủ tài trợ).

-Ông Oliver: Có lẽ đây cũng là một giải pháp tốt đấy!
Như vậy, bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Tôi hy vọng rằng trong quá trình nghiên cứu thực trạng và các giải pháp đối với lĩnh vực này sẽ nhận được sự cộng tác của Bảo Việt cũng như các công ty bảo hiểm khác trên thị trường.
-Ông Điều: Về phần mình, Bảo Việt rất sẵn lòng! Đồng thời, chúng tôi cũng hy vọng được sự giúp đỡ và hợp tác của Ngân hàng ADB.

-Ông Oliver: Xin cảm ơn ông!

T.T.K

có thể bạn quan tâm

Tin tức liên quan