Skip to main content

trang chủ tin tức - sự kiện

Lễ công bố quyết định thành lập Tập đoàn Bảo Việt.

Chiều ngày 17/1/2006 tại Hà Nội, Tổng Công ty bảo hiểm Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt.
Tới tham dự buổi Lễ có đồng chí Lê Thị Băng Tâm – Thứ trưởng Bộ Tài chính, các đồng chí thuộc Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, cùng toàn thể ban lãnh đạo Bảo Việt và các đồng chí lãnh đạo 128 công ty Bảo Việt các tỉnh trong cả nước...
Thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Thứ trưởng Lê Thị Băng Tâm đã long trọng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho các đồng chí trong ban lãnh đạo Bảo Việt.
Quyết định 310/2005/QĐ-TTg, ngày 28/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ đã ra phê duyệt đề án cổ phần hoá Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) và thí điểm thành lập Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là một quyết định có ý nghĩa đặc biệt vì nó hàm chưa bên trong 3 vấn đề lớn như sau:
Một là, cổ phần hoá Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (cả Tổng Công ty)
Hai là, chuyển đổi mô hình tổ chức của Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam từ mô hình Tổng Công ty nhà nước sang mô hình Công ty mẹ - Công ty con.
Ba là, hình thành một tập đoàn kinh tế mới - Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt.
Hơn thế nữa cả 3 vấn đề trên đều có những đặc điểm riêng đáng chú ý. Ví dụ: việc cổ phần hoá cả Tổng Công ty đối với Bảo Việt là đáng chú ý vì Bảo Việt là một doanh nghiệp nhà nước lớn đang làm ăn có hiệu quả, vốn điều lệ đến 3.000 tỷ đồng, đang chiếm một thị phần đáng kể (gần 40% thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng như thị trường bảo hiểm phi nhân thọ).
Việc chuyển đổi tổ chức Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam sang mô hình Công ty mẹ - Công ty con, thành lập Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt trong quyết định này cũng rất đáng chú ý. Vì sự ra đời Công ty mẹ trong tập đoàn này không phải chỉ bằng một biện pháp hành chính và không phải bằng một quyết định chuyển đổi Trụ sở chính Tổng Công ty thành Công ty mẹ của Tập đoàn là xong, mà phải thông qua cổ phần hoá và Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần.

Nói một cách khác, Công ty mẹ trong Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt không phải là 100% vốn nhà nước mà lại là đa sở hữu - một trường hợp chưa có tiền lệ cho đến nay ở nước ta.
 
Từ thực tiễn hoạt động kinh doanh của Bảo Việt qua 40 năm, đặc biệt trong thời gian 10 năm trở lại đây, căn cứ vào các quy định hiện hành của nhà nước có liên quan và kinh nghiệm tổ chức hoạt động của một số Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm của các nước trong khu vực, tuân thủ các nguyên lý chung, mô hình Công ty mẹ - Công ty con chính là mô hình tổ chức của Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt. Mô hình đó bao gồm: Công ty mẹ, các Công ty con, đơn vị sự nghiệp và các Công ty liên kết.

Căn cứ vào quy định trong Nghị định 153/2004/NĐ-CP về mô hình Công ty mẹ - Công ty con và thực trạng tổ chức của Tổng Công ty BAOVIET hiện nay Công ty mẹ trong Tập đoàn Tài chính - bảo hiểm Bảo Việt vừa thực hiện chức năng đầu tư nguồn vốn chủ sở hữu và vừa trực tiếp kinh doanh - kinh doanh đầu tư tài chính (như một dịch vụ tài chính).
Để tạo ra bước chuyển đổi nhẹ nhàng, mô hình tổ chức Công ty mẹ kể trên là phương án có sự xáo trộn về tổ chức ít nhất so với mô hình tổ chức Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam hiện nay và là bước quá độ đi đến mô hình phổ biến trên thế giới - Công ty mẹ chỉ làm chức năng nắm vốn (đầu tư vốn chủ sở hữu).
Tổ chức bộ máy của Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt trong Quyết định 310/2005/QĐ-TTg bao gồm:
 
Công ty mẹ: được gọi tên là “Tập đoàn Bảo Việt” (tên giao dịch quốc tế là BAOVIET Holdings) là Công ty cổ phần (sẽ nói đến ở phần dưới), nhà nước giữ cổ phần chi phối, có chức năng đầu tư nguồn vốn chủ sở hữu vào cỏc Công ty con kinh doanh bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác, giữ quyền chi phối các Công ty con thông qua vốn, nghiệp vụ, công nghệ, thương hiệu, thị trường và trực tiếp kinh doanh đầu tư tài chính như một dịch vụ.
 
Các Công ty con hạch toán độc lập bao gồm:
 
- Bảo Việt Nhân thọ (do Bảo Việt Holdings đầu tư 100% vốn): là Tổng Công ty do doanh nghiệp đầu tư, thành lập kinh doanh bảo hiểm nhân thọ .
- Bảo Việt Việt Nam (do Bảo Việt Holdings đầu tư 100% vốn): là Tổng Công ty do doanh nghiệp đầu tư, thành lập chuyên kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ.
- Công ty quản lý quỹ Bảo Việt (do Bảo Việt Holdings đầu tư 100% vốn)
- Công ty đại lý bảo hiểm (BAVINA) đóng tại London (U.K) do Bảo Việt Holdings nắm 100% vốn)
- Công ty bảo hiểm y tế cộng đồng (sẽ thành lập do Bảo Việt Holdings nắm 100% vốn)
- Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (do Bảo Việt Holdings nắm cổ phần chi phối)
- Công ty liên doanh bảo hiểm Quốc tế Việt Nam - V.I.A (đang hoạt động, Bảo Việt Holdings nắm 51% vốn điều lệ)
- Công ty cổ phần khách sạn du lịch Bảo Việt (Bảo Việt Holdings nắm cổ phần chi phối)
- Ngân hàng cổ phần thương mại Bảo Việt (sẽ thành lập do Bảo Việt Holdings nắm cổ phần chi phối)
- Công ty cổ phần cho thuê tài chính Bảo Việt (sẽ thành lập do Bảo Việt Holdings nắm cổ phần chi phối)
Các Công ty liên kết: là những Công ty mà BAOVIET đã và sẽ đầu tư vốn nhưng không giữ cổ phần chi phối từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Đơn vị sự nghiệp: Các đơn vị sự nghiệp, hạch toán phụ thuộc hoặc hạch toán độc lập) gồm:
- Trung tâm đào tạo Bảo Việt
- Viện Nghiên cứu bảo hiểm Bảo Việt (sẽ thành lập)
Trong tương lai không có gì trở ngại để có thể thành lập Baoviet International như một Công ty mẹ cấp 2 nhằm đầu tư thành lập các Công ty bảo hiểm, môi giới bảo hiểm ở các thị trường nước ngoài, giúp Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt vươn ra thị trường thế giới cũng như những Công ty con khác gắn với kinh doanh bảo hiểm và dịch vụ tài chính.
Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong đó cổ phần hoá là một giải pháp lớn, quan trọng, ngay trong năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/08/2004 ban hành tiêu chí, phân loại công ty nhà nước, trong đó khẳng định, với các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh dịch vụ tài chính như bảo hiểm, ngân hàng, nhà nước chỉ giữ cổ phần chi phối đến 51%. Sau quyết định cổ phần hoá Vietcombank, Thủ tướng Chính phủ lại quyết định cổ phần hoá Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, khẳng định bước đi kiên quyết trên con đường đổi mới doanh nghiệp nhà nước, vừa tạo động lực đổi mới bên trong, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh qua cổ phần hoá, có cơ chế linh hoạt, thu hút vốn, công nghệ, năng lực quản lý từ thị trường trong nước và quốc tế. Công ty mẹ Baoviet Holdings sẽ được hình thành sau khi hoàn tất cổ phần hoá Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam.

Quyết định 310/2005/QĐ-TTg ngày 28/11/2005 còn cho phép khi cổ phần hoá Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam dưới hình thức phát hành cổ phiếu tăng vốn có thể được bán tối đa tới 30% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trước ngưỡng cửa Việt Nam gia nhập WTO, dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 9 khoá IX, chủ trương đó cũng mở ra một khả năng rộng mở để thu hút công nghệ tiên tiến trên thế giới để nâng cao khả năng cạnh tranh của BAOVIET thông qua việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Tính phức tạp của việc định giá một doanh nghiệp lớn có cơ cấu tổ chức phức tạp, đa ngành, quy mô kinh doanh lớn như Bảo Việt cũng như tính chất quốc tế hoá của việc cổ phần hoá Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam làm tăng thêm tính thí điểm táo bạo của đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm và dịch vụ tài chính. Việc thuê tư vấn tài chính quốc tế để phục vụ cho chủ trương đó cũng tất yếu đặt ra.
Quyết định của Chính phủ đã có hiệu lực, việc thực hiện cổ phần hoá Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam và thí điểm thành lập Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt đang khởi động khẩn trương. Đây là một sứ mạng cao cả nhưng trách nhiệm cũng rất lớn của những người thực hiện Quyết định, sự thành công trong thực hiện một số chủ trương mới có tính thí điểm của Nhà nước trong Quyết định 310/2005/QĐ-TTg sẽ có ý nghĩa lớn trong điều chỉnh chính sách của Nhà nước ta về đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO./.
                                                                                                                                                    Lam Hồng

có thể bạn quan tâm

Tin tức liên quan