Skip to main content

trang chủ tin tức - sự kiện

Ngành bảo hiểm tìm cách hạn chế tổn thất cho công trình điện

Trong hai ngày 4 và 5/7/2005, Tập đoàn tái bảo hiểm Munich Re phối hợp với Bảo Việt Việt Nam, tổ chức hội thảo về quản lý rủi ro trong bảo hiểm kỹ thuật - một công tác cực kỳ quan trọng của hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Hội trường Trung tâm đào tạo Bảo Việt, 71 Ngô Sĩ Liên, Hà Nội

Tình hình tổn thất đối với các công trình nhà máy điện ở Việt Nam chưa phải là nhiều, song nếu có tổn thất thì số tiền bồi thường là rất lớn", chuyên gia phụ trách về hỏa hoạn và rủi ro kỹ thuật, Bảo Việt Việt Nam, nhận xét.

Thống kê trong những năm qua cho thấy, riêng công trình xây dựng - lắp đặt thủy điện Hàm Thuận - Đami, khi có tổn thất Bảo Việt đã phải chi trả bảo hiểm với số tiền gần 700 ngàn USD. Thiệt hại xảy ra đối với Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Bảo Việt đã bồi thường 420 ngàn USD.

Trên thực tế, 100% các công trình nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện đều tham gia bảo hiểm tại các công ty bảo hiểm Việt Nam trừ một số nhà máy điện nhỏ của các doanh nghiệp cổ phần và tư nhân đầu tư. Điều này là do có quy định bắt buộc tại Thông tư số 76/2003/TT-BTC ngày 4/8/2003 và Quyết định số 33/2004/QĐ-BTC ngày 12/4/2004 của Bộ Tài chính.

Riêng với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác thì Nhà nước khuyến khích mua bảo hiểm. Bảo Việt đã nhận bảo hiểm cho các công trình nhà máy điện lớn như: Thuỷ điện sông Ba Hạ (2.166 tỷ đồng), Thuỷ điện Sêsan 3A (800 tỷ đồng), Nhiệt điện Phả Lại II (8.500 tỷ đồng), Nhiệt điện Na Dương (1.600 tỷ đồng), Nhiệt điện Phú Mỹ 1 (6.353 tỷ đồng), Nhiệt điện Uông Bí (3.986 tỷ đồng)...

Theo các chuyên gia, cho đến nay, các nguyên nhân gây ra tổn thất được đánh giá chủ yếu vẫn là thiên tai lũ lụt hay mưa lớn kéo dài do các công trình thuỷ điện thường nằm trên địa bàn rất rộng lớn với địa hình phức tạp của đồi núi và sông.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như cháy ở các khu kho chứa hàng hóa nguyên vật liệu trên công trường do bất cẩn hoặc không thực hiện đúng các biện pháp phòng cháy chữa cháy theo quy định, do lỗi tay nghề kém của công nhân, lỗi do thiết kế.

Trong trường hợp của Việt Nam, dạng thiên tai thường gặp nhất là thủy tai như lũ lụt, bão, ngập úng, ngập mặn v.v.... Thủy tai gây tác hại lớn do phần lớn cư dân hiện nay làm nghề nông và sống trong những khu vực dễ bị lũ lụt đặc biệt là những vùng trồng lúa nước. Tuy không có sự tăng đột biến về thiên tai trong thời gian gần đây, nhưng thiệt hại vẫn xảy ra.

Trong giai đoạn hiện nay, trước khi bỏ vốn đầu vào lĩnh vực xây dựng - lắp đặt một công trình thuỷ điện có vốn đầu tư nước ngoài thì đối tác nước ngoài cũng như đối tác Việt Nam đều quan tâm đến vấn đề bảo hiểm và họ chỉ đầu tư khi số tiền vốn đó được bảo hiểm.

"Điều này để giải thích rằng nếu có rủi ro mất mát thì chính bản thân chủ đầu tư phải gánh chịu và sẽ chẳng có nhà nước nào đứng ra đền bù cho họ khoản đó. Chính vì vậy họ phải tự lo cho mình trước bằng việc bảo hiểm", đại diện của Bảo Việt Việt Nam cho biết.

Theo chuyên gia của Munich Re, một cách thức quản lý tiên tiến các thiên tai có thể sẽ hiệu quả hơn nếu có sự kết hợp đồng bộ giữa người được bảo hiểm (hoặc doanh nghiệp), nhà bảo hiểm sơ cấp, tái bảo hiểm, chính quyền địa phương và cộng đồng quốc tế.

"Người mua bảo hiểm (hoặc doanh nghiệp) cũng sẽ phải đóng vai trò trong "sự cộng tác rủi ro" này bằng việc thay đổi quan điểm khi mua bảo hiểm. Bảo hiểm không còn được coi là chi phí không cần thiết mà là một thành phần quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Một sự nhận thức rõ ràng hơn về quản lý rủi ro sẽ làm cho người mua bảo hiểm muốn tham gia vào việc quản lý thiệt hại do thiên tai. Thêm vào đó, người mua bảo hiểm có thể sẽ chịu một phần thiệt hại thích hợp dưới dạng chiết khấu. Điều này sẽ làm giảm tổng thiệt hại được bảo hiểm, trong khi đó lại giúp nhà bảo hiểm thực hiện các biện pháp giảm thiểu tổn thất", ông Geo-Nathan, chuyên gia Tập đoàn tái bảo hiểm Munich Re nhấn mạnh.

Sự tham gia của Chính phủ là rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành bảo hiểm và tái bảo hiểm. Điều này sẽ dẫn đến việc đưa ra một bộ luật xây dựng các công trình chống động đất và các quy định về sử dụng đất để làm giảm thiệt hại do động đất và bão gây ra.

Ngoài ra, còn cần có các chương trình quản lý thảm họa khác như kế hoạch di tản, các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng đối với lũ lụt như đê điều, khu vực thoát lũ và hệ thống thoát nước. Hơn nữa, Chính phủ cũng cần bảo đảm sự lưu thông tự do của đồng vốn nhằm giúp nhà bảo hiểm tiếp cận với thị trường tái bảo hiểm quốc tế và cho phép các nhà tái bảo hiểm đạt được sự cân đối đầu tư theo yêu cầu

Lan Hương (Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)

có thể bạn quan tâm

Tin tức liên quan