Gần 200 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nhân thọ tập thể cho nhân viên với tổng số hợp đồng lên tới trên 2000 hợp đồng, tương đương với tổng số tiền bảo hiểm và tiết kiệm gần 40 tỷ đồng tại Công ty Bảo Việt nhân thọ Hà Nội cho thấy việc tham gia bảo hiểm nhân thọ theo hình thức tập thể đang trở thành nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay.
Theo các giám đốc doanh nghiệp, một trong những lý do khiến họ quyết định tham gia loại hình bảo hiểm này là nhằm thu hút những nhân viên giỏi và khuyến khích người lao động cống hiến hết mình vì sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây cũng được xem là một chính sách hấp dẫn của doanh nghiệp trong việc chống "chảy máu chất xám".
"Chi phí cơ hội đào tạo mỗi nhân viên là khá lớn cộng thêm với sự bất ổn định về nhân sự sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Mỗi khi thay đổi nhân sự, doanh nghiệp phải mất một thời gian tối thiểu là 1-2 tháng để tuyển chọn và đào tạo nhân viên mới làm quen với công việc", một giám đốc doanh nghiệp cho biết.
Ngoài thu nhập được đảm bảo hàng tháng thì bất kỳ người lao động nào cũng cần được đảm bảo cả những khoản thu nhập khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc khi không còn khả năng lao động nữa. Tham gia bảo hiểm xã hội chính là để đảm bảo được những quyền lợi đó của người lao động. Nhưng trên thực tế, không phải tất cả những người lao động đều có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội.
Một số công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân có số lượng nhân viên không nhiều (dưới 10 người) thì khả năng tham gia bảo hiểm xã hội cho nhân viên không cao vì vậy các chủ doanh nghiệp cũng muốn bằng cách này cách khác bù đắp một phần quyền lợi cho nhân viên của mình khi họ chưa tham gia được bảo hiểm xã hội.
Cũng nhiều chủ doanh nghiệp đã nghĩ ra cách tăng quyền lợi cho nhân viên bằng một số hình thức khác ngoài việc đảm bảo mức lương hàng tháng, tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội cho nhân viên. Đó có thể là: thưởng quý, thưởng năm, thưởng nhân dịp một số ngày lễ tết hoặc tham gia một bảo hiểm nhân thọ.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng tăng lương là giải pháp tối ưu vì hình thức này ngay lập tức có thể thoả mãn được mong muốn hiện tại của người lao động. Tuy nhiên, nhiều người mặc dù được làm việc ở những công ty có mức lương khá cao song họ vẫn cảm thấy chưa yên tâm.
"Mong muốn của người lao động và người sử dụng lao động thường mâu thuẫn với nhau vì phần lớn người lao động sẽ muốn đồng thời được tăng lương và gia tăng các quyền lợi khác, còn doanh nghiệp lại muốn làm thế nào để sử dụng chi phí của doanh nghiệp một cách hợp lý nhất, tiết kiệm nhưng hiệu quả", một giám đốc doanh nghiệp tâm sự.
Để điều chỉnh những mâu thuẫn trên, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức tham gia bảo hiểm và tiết kiệm hoặc chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho nhân viên. Theo hình thức này, người lao động vừa được tăng thu nhập vừa được bảo hiểm trong trường hợp rủi ro, còn doanh nghiệp có thể ổn định kinh doanh trong trường hợp nhân viên bỏ việc hoặc bị gặp rủi ro trong thời gian làm tại doanh nghiệp.
Hơn thế, khi tham gia bảo hiểm tập thể có nghĩa là doanh nghiệp đã chuyển giao rủi ro cho nhà bảo hiểm. Hiện tại, có rất nhiều cách để các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm tập thể. Doanh nghiệp có thể đứng tên là tổ chức tham gia bảo hiểm và thay nhân viên đóng 100% phí cho công ty bảo hiểm trong suốt thời hạn hợp đồng. Hoặc doanh nghiệp đóng 80% phí, nhân viên đóng góp 20%. Hoặc có doanh nghiệp để nhân viên đứng tên trực tiếp là người tham gia và người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm còn doanh nghiệp là người đóng phí... Hoặc có những doanh nghiệp coi số tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm như một khoản thưởng sau 5 năm, 10 năm...
Khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tiết kiệm hoặc hưu trí cho nhân viên, doanh nghiệp đã thắt chặt thêm mối quan hệ giữa nhân viên với doanh nghiệp. Có doanh nghiệp chỉ tham gia cho một số nhân viên chủ chốt của công ty, với mục đích để khuyến khích những người cũ và tạo động lực thúc đẩy cho những nhân viên mới vào. Có doanh nghiệp lại tham gia bảo hiểm cho tất cả nhân viên nhưng quy định rõ từng mức được hưởng theo thâm niên công tác hoặc theo vị trí trong công ty...
Số tiền bảo hiểm mà công ty đóng góp cho nhân viên thường giao động ở mức từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tuỳ theo tình hình tài chính của doanh nghiệp và thời hạn bảo hiểm và nhận tiền tiết kiệm rất đa dạng có thể là sau 5, 10, 15, 20 năm, thậm chí cả cuộc đời tuỳ thuộc vào mục đích của từng doanh nghiệp.
Hoàng Xuân
có thể bạn quan tâm