Skip to main content

trang chủ tin tức - sự kiện

MƯỜI NĂM BẢO HIỂM NHÂN THỌ: Một chặng đường - Một nền tảng - Cùng tương lai

 

1. “Khai sơn phá thạch” 
Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy đã từ lâu người Việt đã biết sử dụng các hình thức bảo hiểm, trong đó có những loại hình bảo hiểm tương tự như BHNT. Chẳng hạn, ở rất nhiều nơi các “hội” hiếu, hỉ đã được nhân dân lập lên một cách tự phát để cùng giúp nhau trong cuộc sống. Ngày nay có thể thấy các hội “hiếu” còn tồn tại khá phổ biến ở rất nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng nông thôn. Các hội hiếu thường được thành lập bởi những “hội viên” có quan hệ khá thân thiết với nhau nhằm giúp nhau khi gia đình hội viên nào đó có người qua đời hoặc chính hội viên qua đời. Hình thức hoạt động của “hội” thường là, khi người thân hoặc bản thân hội viên nào đó qua đời các hội viên còn lại cùng góp sức (thường bằng thóc, gạo) để lo việc ma chay. Ngoài các hội hiếu còn có các hội “hỉ (giúp nhau khi có cưới hỏi), hội chăm lo sức khoẻ (hỗ trợ nhau khi ốm đau), hội giúp vốn làm ăn…Đây là các hội được hình thành một cách tự phát và mang tính “sơ khai” như là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Trong thời kỳ chiếm đóng Việt Nam, Pháp cũng du nhập BHNT vào Việt Nam nhưng chỉ giới hạn ở những người thân Pháp và có địa vị cao. Trước năm 1975, ở Miền Nam cũng đã có một công ty BHNT hoạt động nhưng do chiến tranh công ty này mới chỉ hoạt động được một thời gian rất ngắn và phạm vi rất hẹp.
Có thể nói, Bảo Việt là doanh nghiệp “khai mở” thị trường BHNT Việt Nam. Nói một cách đúng đắn nhất, việc “khai sơn phá thạch” thị trường BHNT của Bảo Việt được bắt đầu trước khi triển khai BHNT (tháng 8/1996) thông qua các sản phẩm bảo hiểm con người (như bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tử vong, bảo hiểm con người kết hợp, workmen compensation, bảo hiểm chi phí phẫu thuật, bảo hiểm du lịch…). Đây cũng là điểm đặc biệt của thị trường BHNT Việt Nam - BHNT ra đời từ bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, với việc triển khai BHNT vào tháng 8/1996, Bảo Việt đã thúc đẩy khai mở thị trường BHNT theo nghĩa đầy đủ và toàn diện hơn trên một quy mô rộng lớn. 
Trong những năm đầu tiên, BHNT còn là một khái niệm mới lạ đối với phần lớn dân chúng, thậm chí BHNT còn bị nhầm lẫn với “bảo thọ”. Với sự hoạt động tích cực của mình, Bảo Việt đã mở rộng tuyên truyền để người dân ngày càng hiểu hơn về BHNT và các doanh nghiệp BHNT đến sau là những người cùng được hưởng lợi từ việc khai mở thị trường của Bảo Việt. 

2. “Đi biển bằng thuyền mủng” 
Mặc dù được thành lập và đi vào hoạt động ở Việt Nam từ năm 1965 nhưng đến trước khi triển khai BHNT và cả những năm sau đó, Bảo Việt hầu như chưa có các chuyên gia và kinh nghiệm về BHNT. Cho đến nay, các cán bộ làm BHNT, đặc biệt là tại các công ty thành viên, phần lớn vẫn là những người được chuyển từ lĩnh vực phi nhân thọ, chưa được đào tạo bài bản về kinh doanh BHNT. Trong giai đoạn đầu triển khai BHNT, hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thành viên của Bảo Việt thực hiện đồng thời nghiệp vụ BHNT, thậm chí có những bộ phận, những cán bộ thực hiện đồng thời cả nghiệp vụ nhân thọ và phi nhân thọ. Việc triển khai BHNT của Bảo Việt trong điều kiện chưa chuẩn bị tốt về nguồn lực có thể ví như một ngư dân đi biển bằng thuyền mủng. Chính vì chưa có sự chuẩn bị kỹ càng nên trong giai đoạn đầu, Bảo Việt chỉ “triển khai thí điểm” BHNT tại thị trường Việt Nam với hai sản phẩm là Bảo hiểm Hỗn hợp thời hạn 5 năm, 10 năm và Bảo hiểm Hỗn hợp trẻ em (An sinh Giáo dục) với số tiền bảo hiểm từ 3 đến 50 triệu đồng.
Sở dĩ trong những năm đầu Bảo Việt có thể “đi biển bằng thuyền mủng” là vì cho đến cuối năm 1999, thị trường BHNT Việt Nam vẫn “trời yên bể lặng”, Bảo Việt “một mình một chợ”. Một lý do không thể không nhắc đến, kinh nghiệm, đặc biệt trong kinh doanh các loại hình bảo hiểm con người và uy tín của Bảo Việt tại thị trường cũng là một “giấy thông hành” tốt cho hoạt động kinh doanh BHNT. 

3. "Những vụ mùa bội thu” 
Mặc dù chưa có sự chuẩn bị nguồn lực đầy đủ nhưng với “vị thế” của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu thị trường và lợi thế “tiên phong”, Bảo Việt đã đạt được những kết quả đáng tự hào trong triển khai BHNT:
 
+ Thiết lập được mạng lưới kinh doanh BHNT phủ khắp cả nước, mô hình tổ chức và quản lý ngày càng hoàn thiện:
Sau một giai đoạn “triển khai thí điểm”ở một số địa bàn như Hà Nội và T.p Hồ Chí Minh, đến năm 1998 nghiệp vụ BHNT đã được Bảo Việt triển khai đồng loạt tại tất cả các tỉnh thành. Bảo Việt đã xây dựng được mạng lưới cung cấp dịch vụ khắp cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu BHNT của mọi tầng lớp nhân dân. Đến nay, Bảo Việt Nhân thọ có khoảng 25.000 đại lý bảo hiểm, bao gồm cả đại lý chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Với mạng lưới phủ khắp các huyện thị và đội ngũ đại lý, thu ngân viên đông đảo, các sản phẩm BHNT của Bảo Việt đã đến được với mọi tầng lớp dân cư từ thành thị tới nông thôn. Mô hình tổ chức và quản lý của Bảo Việt cũng ngày càng hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả. Từ mô hình “kiêm nhiệm” phi nhân thọ - nhân thọ, đến đầu năm 2004 Bảo Việt đã tách hoạt động nhân thọ và phi nhân thọ một cách độc lập. Thêm vào đó, việc đào tạo đại lý ngày càng được chú trọng và được xác định là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng dịch vụ cung cấp và thành công của doanh nghiệp. 
+ Đạt tốc độ tăng trưởng cao về doanh thu phí và số hợp đồng:
Nếu như năm 1996, Bảo Việt mới triển khai thí điểm BHNT tại một số tỉnh thành và đạt được kết quả khá khiêm tốn với trên 1.200 hợp đồng và doanh thu phí chưa đến 1 tỷ đồng thì đến năm 2001 doanh thu phí BHNT đã đạt 1.511 tỷ đồng và đến năm 2003 đã đạt 2.671 tỷ đồng. Đến cuối năm 2005, Bảo Việt Nhân thọ có gần 1,7 triệu hợp đồng chính có hiệu lực và gần 1 triệu điều khoản bổ trợ. Thêm vào đó, chất lượng khai thác cũng được nâng lên đáng kể, biểu hiện qua số tiền bảo hiểm trung bình/hợp đồng, số phí bảo hiểm bình quân/hợp đồng ngày càng cao, công tác đánh giá rủi ro được chú trọng hơn (thông qua việc áp dụng đánh giá rủi ro sức khoẻ, tài chính, mục đích tham gia, quyền lợi có thể được bảo hiểm), tỷ lệ huỷ hợp đồng dưới 6%/năm (thấp hơn so với mức chung trên thị trường). 
+ Sản phẩm đa dạng, dịch vụ phong phú, khách hàng thuộc nhiều tầng lớp 
Khi Bảo Việt triển khai thí điểm BHNT, chỉ có 2 sản phẩm được đưa ra thị trường là BHNT Hỗn hợp 5, 10 năm và An sinh giáo dục. Cùng với sự phát triển của thị trường, “giỏ” sản phẩm đưa ra thị trường của Bảo Việt đã tăng lên nhanh chóng và ngày càng đa dạng. Đến nay, Bảo Việt đã đưa ra thị trường các sản phẩm thuộc hầu hết các chủng loại BHNT truyền thống như Hỗn hợp, Sinh kỳ, Tử kỳ, Trọn đời, các sản phẩm bảo hiểm hưu trí (niên kim nhân thọ), đồng thời nhiều sản phẩm bổ trợ (rider) cũng đã được cung cấp. Tính đa dạng còn thể hiện như: có sản phẩm chia lãi như An Khang Thịnh Vượng, cũng có sản phẩm không chia lãi như An Gia Tài Lộc; có sản phẩm bảo hiểm cá nhân lại có sản phẩm bảo hiểm theo nhóm (như Tử Kỳ nhóm); có sản phẩm có số tiền bảo hiểm cố định, lại có sản phẩm có số tiền bảo hiểm tăng dần như An Gia Thịnh Vượng; có sản phẩm trả tiền bảo hiểm đáo hạn một lần nhưng cũng có sản phẩm trả tiền bảo hiểm nhiều lần; có sản phẩm đóng phí định kỳ lại có cả sản phẩm đóng phí một lần; có sản phẩm có số tiền bảo hiểm cố định lại có sản phẩm có số tiền bảo hiểm tăng dần; vừa có sản phẩm ngắn hạn vừa có sản phẩm trung và dài hạn; có sản phẩm bảo vệ đơn thuần, có sản phẩm tiết kiệm, có sản phẩm kết hợp bảo hiểm và tiết kiệm. Có thể nói, các đặc trưng sản phẩm của Bảo Việt Nhân thọ khá đa dạng, đáp ứng được một phần đáng kể nhu cầu của công chúng và có thể đảm bảo cạnh tranh trên thị trường về sản phẩm.
Ngoài các sản phẩm, Bảo Việt Nhân thọ còn cung cấp thêm các loại hình dịch vụ khác cho khách hàng tham gia BHNT như tư vấn du học, cho khách hàng vay tiền theo hợp đồng, thẻ giảm giá,... Dịch vụ ngày càng được nâng cao chất lượng dịch vụ và mang tính toàn diện.

Từ chỗ cung cấp sản phẩm một cách “đại trà”, trong thời gian gần đây Bảo Việt đã bước đầu có định hướng khách hàng và phân đoạn thị trường trong phát triển sản phẩm và khai thác thị trường. Tuy nhiên, việc phân đoạn thị trường còn phải có nhiều cố gắng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để bước“cùng nhịp” với thị trường, Bảo Việt đã và đang nỗ lực đa dạng hoá kênh phân phối, điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) mặc dù đến nay kết quả của các kênh mới còn rất khiêm tốn. Thêm vào đó, các hoạt động hỗ trợ như quảng cáo, quan hệ công chúng đã được thực hiện bài bản hơn.
+ Kinh doanh hiệu quả
Mặc dù còn rất nhiều điểm cần hoàn thiện trong hoạt động và quản lý nhưng Bảo Việt Nhân thọ đã sớm khẳng định tính hiệu quả trong kinh doanh BHNT. Năm 2003 ghi nhận số lợi nhuận 6 tỷ đồng thì năm 2005 số lợi nhuận đã tăng lên 150 tỷ đồng. Đây là minh chứng cao nhất cho hiệu quả hoạt động kinh doanh của Bảo Việt Nhân thọ. 

4. “Vay sông trả biển”
Với 10 năm hoạt động, Bảo Việt Nhân thọ đã có những đóng góp đáng kể cho xã hội. Có thể kể:
 
+ Góp phần tạo lập cuộc sống ổn định, thịnh vượng, nâng cao nhận thức về BHNT:
Tính từ khi triển khai đến nay, Bảo Việt Nhân thọ đã thanh toán quyền lợi bảo hiểm cho khoảng 300.000 khách hàng (đáo hạn và gặp rủi ro) với tổng số tiền lên đến hơn 1.500 tỷ đồng. Qua việc giải quyết đầy đủ và kịp thời quyền lợi của khách hàng, Bảo Việt Nhân thọ đã giúp khách hàng chẳng may gặp rủi ro nhanh chóng khắc phục rủi ro, ổn định cuộc sống đồng thời cũng giúp cho khách hàng thực hiện tiết kiệm dài hạn và đều đặn nhằm đạt những kế hoạch đã đề ra, tạo lập một cuộc sống đầy đủ về tài chính, hạnh phúc, thịnh vượng. Đây cũng chính là một trong những lý do cơ bản giúp các tầng lớp dân cư ngày càng hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của BHNT, từng bước hình thành tập quán tham gia BHNT ở Việt Nam và cũng là một trong những lý do cơ bản đem lại sự thành công của Bảo Việt Nhân thọ thời gian qua. Thêm vào đó, Bảo Việt Nhân thọ cũng rất tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, tài trợ các chương trình văn hoá thể thao, tư vấn y tế, hỗ trợ đào tạo, an toàn giao thông và các hoạt động xã hội khác, điển hình là Chương trình xe lăn tặng trẻ em khuyết tật nghèo (2003), chương trình Bảo Việt – Tương thân, tương ái ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN (2004) và chương trình học bổng Bảo Việt - An Sinh Giáo dục (2005), qua đó góp phần xây dựng một xã hội an lành, thịnh vượng.
+ Tạo công ăn việc làm cho nhiều người
Thời gian qua Bảo Việt Nhân thọ đã thu hút, tạo công ăn việc làm cho một lực lượng đông đảo lao động dưới hình thức đại lý chuyên nghiệp, đại lý bán chuyên nghiệp và cộng tác viên. Đến giữa năm 2006, Bảo Việt Nhân thọ có khoảng 25.000 đại lý làm việc, trong đó có những đại lý thành công và coi tư vấn BHNT là một nghề thực thụ. Đồng thời, Bảo Việt Nhân thọ cũng là “tổ ấm” của gần 2.500 cán bộ, nhân viên. 
 
+ Tạo kênh huy động và cung cấp vốn lớn cho nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Bằng việc gom nhặt và tập trung những khoản tiền nhỏ, nhàn rỗi nằm rải rác trong dân cư, Bảo Việt Nhân thọ đã hình thành một quỹ đầu tư lớn, cung cấp vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hoá- hiện đại hoá, góp phần phát triển kinh tế- xã hội. Với số tài sản quản lý được tích luỹ (dưới hình thức quỹ dự phòng) ngày càng lớn, Bảo Việt Nhân thọ đã thực hiện những khoản đầu tư lớn dưới các hình thức như mua cổ phiếu, cho vay, tham gia các dự án đầu tư, mua trái phiếu, tín phiếu Kho bạc nhà nước, gửi tiết kiệm ngân hàng... Tính đến nay, tổng số tiền Bảo Việt Nhân thọ đã đầu tư vào nền kinh tế khoảng 11.000 tỷ đồng. 

5. “Sóng to gió lớn”
Sự gia nhập của doanh nghiệp BHNT thứ hai vào cuối năm 1999 và các doanh nghiệp tiếp theo vào thị trường Việt Nam đã mở đầu cho một giai đoạn mới của thị trường – giai đoạn cạnh tranh gay gắt và toàn diện trên tất cả các phương diện (sản phẩm, kênh phân phối, đầu tư, quảng cáo…). Từ thế “một mình một chợ”, Bảo Việt Nhân thọ đã phải đối mặt với “sóng gió” của cạnh tranh. Cạnh tranh đã đặt Bảo Việt trước rất nhiều thách thức nhưng cũng nhờ cạnh tranh mà Bảo Việt đã tự hoàn thiện mình để tồn tại và đứng vững trong cạnh tranh. Trong thời gian qua, Bảo Việt đã có nhiều sách lược, chính sách phát triển phù hợp, chẳng hạn các chính sách điều chỉnh sản phẩm, mô hình tổ chức và quản lý đại lý, chính sách thù lao, thi đua đối với đại lý…Học tập những điểm mạnh của các công ty mạnh trên thế giới, khắc phục những điểm yếu của mình là một sách lược hiệu quả được Bảo Việt Nhân thọ áp dụng tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, cạnh tranh cũng đã thách thức chính mô hình “theo tổ chức hành chính” của Bảo Việt Nhân thọ, thậm chí biến điểm mạnh của mô hình tổ chức này thành điểm yếu. Bên cạnh đó, ngoài những thành tựu mà Bảo Việt Nhân thọ đạt được, mô hình tổ chức và hoạt động cũng như việc thiếu kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh BHNT của Bảo Việt Nhân thọ đã làm bộc lộ những điểm yếu, điểm kém thậm chí cả những hậu quả không nhỏ, những bài học kinh nghiệm đau xót ở nhiều mặt. Có rất nhiều điểm yếu mang tính “cơ chế” mà Bảo Việt không thể khắc phục thông qua học tập đối thủ cạnh tranh. Với tư cách là doanh nghiệp nhà nước, cơ chế/chính sách tuyển dụng, thăng tiến, tiền lương, chi phí hoạt động…theo những quy định của Nhà nước và chịu ảnh hưởng bởi những “luật bất thành văn” chi phối doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, không phải tất cả những điểm yếu của Bảo Việt Nhân thọ đều xuất phát từ “cơ chế”.
Ngoài những thách thức từ ngành BHNT, thị trường tài chính, trong thời gian qua và trong thời gian sắp tới Bảo Việt Nhân thọ còn chịu nhiều thách thức từ nền kinh tế nhưng những thách thức “nội tại” mới là những thách thức cơ bản nhất, có nguy cơ cao nhất đối với Bảo Việt Nhân thọ.

6. "Đánh bắt xa bờ bằng tàu lớn"
Những kết quả mà Bảo Việt Nhân thọ đạt được trong 10 năm qua rất đáng tự hào. Đây là kết quả của sự điều hành, định hướng đúng đắn của những nhà lãnh đạo cao nhất và nỗ lực chung trong toàn hệ thống Bảo Việt Nhân thọ, trước hết phải kể chiến lược kinh doanh phù hợp với tiềm lực tài chính và nguồn lực hiện có - lấy phi nhân thọ nuôi nhân thọ trước khi nhân thọ có thể tự nuôi mình. Tuy vậy, 10 năm qua Bảo Việt Nhân thọ cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, điểm yếu ở nhiều mặt, đặc biệt là về nguồn lực. Cũng có những điểm mạnh, những lợi thế của Bảo Việt Nhân thọ đã dần chuyển thành điểm yếu (như mạng lưới rộng khắp) khi không được phát huy đúng hướng.
Với tiến trình toàn cầu hoá về kinh tế, thị trường BHNT Việt Nam đã, đang và sẽ hội nhập ngày càng tích cực và nhanh chóng, nhất là khi được “kích hoạt” bởi việc gia nhập WTO. Để tồn tại và phát triển được trong môi trường cạnh tranh gay gắt đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải tăng cường khả năng cạnh tranh của mình trong đó bao hàm việc xác định đoạn thị trường mà mình có lợi thế. Trong thị trường BHNT khi mà “người khôn của khó”, muốn bắt được “cá to”, doanh nghiệp bảo hiểm nhất định phải “đánh bắt xa bờ”. Và, muốn “đánh bắt xa bờ” thì không những cần “thuyền” lớn, vững chãi, hiện đại mà cần có “hướng đi” phù hợp, có vị “thuyền trưởng” tài ba và quả cảm, có “hoa tiêu” nhanh nhạy và mẫn cán cùng “thuỷ thủ đoàn” đồng lòng, thạo việc cùng với những “thiết bị hàng hải” hiện đại. 
Để duy trì và củng cố vị trí hàng đầu tại Việt Nam, chắc chắn trong giai đoạn sắp tới Bảo Việt Nhân thọ cần có những cải cách mạnh mẽ, tích cực và dũng cảm để có thể chủ động hội nhập quốc tế. Cổ phần hóa Bảo Việt và thành lập Tập đoàn Tài chính-Bảo hiểm Bảo Việt hy vọng sẽ là luồng gió mới cho con thuyền Bảo Việt Nhân thọ ra khơi.
 
 

Lương Xuân Trường

 

có thể bạn quan tâm

Tin tức liên quan